HY VỌNG SẼ CÓ “NGÀY CÂY GẬY TRẮNG” Ở VIỆT NAM
Theo ước đoán, cho đến nay cộng đồng người khiếm thị tại Việt Nam đã lên tới con số hơn một triệu người. Với mật độ giao thông như hiện nay, vấn đề quảng bá một tín hiệu an toàn giao thông cho người khiếm thị đến toàn dân Việt là hết sức cần thiết. Vì vậy, một số người có tâm huyết trong cộng đồng người khiếm thị đang tìm cách, để quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng một biểu tượng của người mù, đó là “Cây gậy trắng”. Cây gậy trắng không chỉ giúp người khiếm thị dò đường đi , mà còn biểu thị cho thấy rằng, người đang sử dụng nó là một người khiếm thị. Điều này sẽ khiến người mắt sáng dễ dàng nhận biết, và sẵn sàng nhường đường cho người khiếm thị đó, góp phần giúp cho cả hai được an toàn trong khi giao thông.
Từ giữa thập niên 30 của thế kỷ trước, MỘT SỐ TỔ CHỨC CÓ LIÊN QUAN ĐẾN NGƯỜI mù ở châu Âu và Hoa-kỳ đã làm những cuộc khảo sát, họ rút ra kết luận rằng: Một cây gậy màu trắng sẽ giúp người khiếm thị được người mắt sáng dễ dàng nhận biết trong khi giao thông. Cho đến đầu thập niên 60, cây gậy trắng đã trở thành một biểu tượng quen thuộc của người khiếm thị trên đất Mỹ, nó được mọi công dân Mỹ tôn trọng. Và vì thế, người mù ở Hoa kỳ ít gặp rắc rối hơn chúng tôi trong vấn đề giao thông. Nhiều người mù ở Mỹ đã khẳng định rằng, họ cảm thấy tự tin hơn khi đi lại một mình ngoài đường với “Cây gậy trắng”. Họ đã chọn ngày 15/10 hằng năm là ngày “White-Cane Safety Day”, để nhắc nhở mọi công dân Mỹ tôn trọng biểu tượng này của người mù.
Từ những kinh nghiệm của các nước bạn, chúng tôi cũng mong muốn có được “Ngày cây gậy trắng” ở Việt Nam, nhằm mục đích tuyên truyền đến mọi người dân một biểu tượng để nhận biết người khiếm thị trên đường phố.
Thoạt đầu nghe có vẻ đơn giản, nhưng đi sâu vào tìm hiểu mới biết, bản thân rất nhiều người mù ở ngay TP.Hồ Chí Minh vẫn còn xa lạ với “Cây gậy trắng”. Khi được hỏi “Bạn đang sử dụng gậy đi đường, bạn có biết gậy của bạn màu gì không?”, hầu hết những người mù đi bán dạo ngoài đường phố đều trả lời là không biết. Khi chúng tôi nói về tín hiệu “Cây gậy trắng” và ý nghĩa của nó, những người mắt sáng cũng thừa nhận rằng, đây là lần đầu tiên họ nghe nói.
Chính vì vậy, chúng tôi mong muốn có được sự ủng hộ từ phía các cơ quan truyền thông trong nước, nơi có thể giúp chúng tôi quảng bá biểu tượng này đến mọi người dân một cách nhanh chóng. Chúng tôi hy vọng chính phủ sẽ tích cực giúp đỡ cộng đồng người khiếm thị Việt Nam, chẳng hạn như việc công nhận một ngày đặc biệt, “Ngày Cây gậy trắng để nhắc nhở mọi người dân cùng hợp tác. Trước hết, phải xây dựng ý thức tự bảo vệ mình trong khi đi lại cho người khiếm thị. Song song đó là sự kêu gọi hợp tác của người mắt sáng đối với cộng đồng người khiếm thị. Việc này tuy khó, nhưng nếu được sự quan tâm và ủng hộ nhiệt tình của mọi thành phần trong xã hội, nó sẽ góp phần xóa bỏ mặc cảm tự ty cho người khiếm thị và nâng cao tính tự lập cho họ.
Với mục đích ấy, chúng tôi kêu gọi sự giúp đỡ của các phương tiện truyền thông đại chúng, hy vọng rằng trong thời gian sắp tới, biểu tượng “Cây gậy trắng” sẽ được nhiều người biết đến. Chúng tôi cũng mong ước xa hơn, mong sao các giới chức hữu trách sẽ quan tâm giúp người mù Việt Nam, mỗi năm cũng có được “Ngày Cây gậy trắng” như các công dân Hoa-kỳ đã có. “White-cane Safety Day” xuất hiện ở Hoa-kỳ đã 50 năm, hy vọng trong một ngày gần đây, “Ngày Cây gậy trắng” sẽ đi vào lịch sử của người khiếm thị Việt Nam.
Mái Ấm Thiên Ân
Lạy Chúa! Ngày 14/10 sắp tới đây, sẽ có một cuộc họp báo ngay tại trường mù Nguyễn Đình Chiểu, thầy Phong và một số người có tâm huyết sẽ giới thiệu đến giới truyền thông biểu tượng “CÂY GẬY TRẮNG” của người mù. Xin Chúa giúp cho công việc được thuận lợi, để cộng đồng người khiếm thị Việt Nam có được cái nhìn tôn trọng hơn ngoài xã hội, hầu cuộc sống của họ được thăng tiến, Chúa nhé!
Click here to listen to the song:
Bài hát: Người Khiếm Thị và Cây Gậy Trắng
Thơ: Vũ Thủy
Nhạc: Nguyễn Văn Hiển
Ca sĩ: Bạch Trà
Nghe nhạc mp3
Mở file pdf
Bài liên quan: Người mù và cây gậy trắng
No comments:
Post a Comment