Ý VÀ HỌA TRONG VĂN THƠ ĐẠO
. Lm
TRĂNG THẬP TỰ
Bài thơ hay phải vừa là một bản nhạc vừa là một bức tranh. Thơ là nhạc vì
đọc lên nghe vừa nhịp nhàng đan xen trầm bổng, vừa lảnh lót lôi cuốn nhờ vần
điệu. Thơ lại như tranh vẽ vì chỉ cần nghe qua là thấy hiện lên cả một bức họa
đầy cảnh sắc sinh động.
Giải Đặng Đức Tuấn 2010 chưa có những bài thơ thật hay. Trong bài trước
chúng tôi đã tóm tắt những chỉ dẫn về vần và các thể thơ, tức là về âm thanh và
nhịp điệu, để giúp bạn trẻ có những khái niệm mở đầu. Bạn trẻ nên tìm thêm nơi
những tài liệu khác những hướng dẫn chi tiết và phong phú hơn.
Riêng ở bài này, chúng tôi xin đóng góp mấy suy tư và kinh nghiệm nhằm giúp
ngòi bút bạn trẻ thêm giàu ý tưởng và hình ảnh khi làm thơ viết văn ca tụng
Chúa.
1. TỪ VÈ ĐẾN THƠ
Viết cho nhịp nhàng, thuận bằng trắc và đúng theo yêu cầu mỗi thể thơ,
không khó. Tuy nhiên với bằng ấy, ta chỉ mới có được những bài văn vần, gần như
những bài vè, chưa phải thơ. Thơ cũng khác với diễn ca. Diễn ca là chuyển một
nội dung giáo huấn sang thể văn vần cho dễ nhớ, dễ thuộc.
Thơ không những mang theo ý mới mà còn chở cả tâm tình, qua những hình ảnh.
Chính hình ảnh là “cảnh” sinh “tình”.
Để không dừng lại ở một bài vè hay một bài diễn ca, cần tránh dùng những từ
nối: nhưng, vì, tuy nhiên, mặc dầu, bởi, lẽ ra, thế rồi… Thơ không lý luận bằng
các từ nối nhưng gợi ý gợi tình bằng hình ảnh. Nhà thơ dùng những hình ảnh nối
tiếp nhau gợi hứng cho người ta tưởng tượng, suy tư và rung cảm. Bài Qua đèo
Ngang của bà Huyện Thanh Quan, chỉ có 8 câu và mỗi câu là một bức tranh.
Nơi bài Ngậm ngùi của Huy Cận, 12 câu là 12 bức tranh.
Hiểu như thế, khi làm thơ ta không nên triển khai từ một ý tưởng nhưng từ
một hình ảnh. Chúa Giêsu không làm thơ nhưng bài giảng của Ngài giàu chất thơ
vì rất nhiều hình ảnh: chim sẻ, bông huệ, nhúm men, ngọn đèn, khung cửa, bầy
chiên, vườn nho, cây nho, cây vả, con đường, cậu con bụi đời, hạt giống, tiệc
cưới, vv… Để ý, bạn sẽ thấy mỗi hình ảnh trong thơ đều khác với hình vẽ trên
giấy. Hình ảnh trong thơ có thể ôm theo rất nhiều ý tưởng khác nhau. Nó là
những gợi hứng phong phú. Đó là lý do tại sao các dụ ngôn của Chúa người ta
diễn giải cả 2000 năm rồi vẫn chưa cạn ý…
Cảm hứng một bài thơ có thể đến với bạn từ một ý tưởng mà bạn thấy có thể
diễn thành hình ảnh, hoặc từ một hình ảnh giàu sức chuyên chở những ý và tình
bạn muốn diễn tả. Tuy nhiên đó chỉ mới là một hạt giống, một nụ hoa, một trái
non. Bạn đừng cầm bút viết vội. Bài thơ viết vội sẽ rất dở. Hãy đợi hạt giống
mọc lên; hãy đợi hoa nở; hãy chờ trái chín.
Ta
van nài, này thiếu nữ Gia Liêm
Đừng
đánh thức, đừng thức tình yêu dậy
Khi tình yêu chưa đến giờ cảm thấy. (Dc
2,7)
Bạn đừng thụ động ngồi chờ nhưng cần tích cực góp phần chở che và chăm sóc
cho ơn soi sáng ban đầu bạn đã nhận được. Bằng cách nào? Bằng suy niệm và chiêm
niệm. Suy niệm và chiêm niệm cũng là nguồn mạch gợi cho bạn rất nhiều cảm hứng
mới lạ.
2. GẬM NHẤM THIÊN THƯ
Do đòi hỏi của âm thanh và nhịp điệu, nhiều khi ta phải thế một từ đã quen
bằng một từ tương đương nhưng mang một âm sắc khác. Để có vốn từ phong phú,
cách riêng là một vốn từ rõ nghĩa và dễ hiểu cho lãnh vực đức tin và tâm linh,
ta cần đọc sách nhiều, chú tâm gạn lọc và ghi nhớ. Đọc sách còn giúp ta nâng
cao cách suy nghĩ và diễn tả.
Việc đọc sách đạo, thinh lặng nghiền ngẫm rồi đối thoại với Chúa, được gọi
là “gậm nhấm thiên thư” hay “đọc sách thiêng liêng”. Đây là nguồn cụ thể đem
lại nhiều ý tưởng hay đẹp trước khi chính bản thân ta có thể được ơn tự mình
nghiệm ra những ý mới.
Người xưa nói: “Một ngày không đọc sách, soi gương thấy thụt lùi”. Không
đọc sách, ta sẽ loay hoay mãi với một số ý tưởng cũ rích, mình ngỡ là hay lắm
nhưng thiên hạ biết cả rồi. Vì thế, muốn viết nên những bài văn bài thơ có sức
tôn vinh Thiên Chúa, ta cần phát huy tinh thần hiếu học, thích đọc sách. Cụ
thể, cần vạch chương trình đọc sách đều mỗi ngày.
Cần chọn sách để đọc. Là con cái Chúa, trước hết ta cần chăm chỉ đọc Lời
Chúa trong Kinh Thánh, không riêng Tân Ước mà cả Cựu Ước nữa. Cựu Ước là một
kho tàng phong phú mênh mông. Nhiều tác phẩm đạt giải văn chương Nobel và nhiều
tác phẩm văn chương lừng danh khác của Âu Mỹ xua và nay đã lấy cảm hứng từ bộ
Kinh Thánh. Tiếp đó là những sách diễn giải giáo lý, rồi tới sách về đời sống
các vị thánh và những tác phẩm dẫn đường tâm linh của các ngài. Sau nữa là các
tác giả Công giáo gần đây và các sách báo Công giáo khác nói chung.
3. NHỮNG KHOẢNH KHẮC TRẦM TƯ
Văn là vẻ đẹp, chương là vẻ sáng. Luyện văn là luyện cách diễn tả vẻ đẹp,
tựa như cắm hoa. Cỏ cũng có giá trị kinh tế, như để nuôi bò chẳng hạn. Đồng cỏ
xanh giúp mắt ta nghỉ ngơi thư giãn nhưng ít khi ta chú ý quan sát một ngọn cỏ.
Còn một bông hoa đẹp, dù nhỏ xíu, rất dễ lôi cuốn sự chú ý của ta. Ta thích thú
ngắm nhìn, thưởng thức. Để có hoa đẹp, người ta thường phải chọn giống, chăm
sóc, tưới bón và cắt tỉa. Giữa đủ thứ hoa, người cắm hoa lành nghề chỉ chọn một
số bông hoa thật ưng ý rồi sắp xếp công phu theo cái nhìn thẩm mỹ của mình. Làm
một bài văn hoặc bài thơ hay cũng thế, không phải cứ vơ hết mọi ý tưởng và hình
ảnh đến trong đầu ta nhưng cần chắt lọc kỹ lưỡng.
Những khoảnh khắc trầm tư thinh lặng sẽ trao tặng cho ta những tia sáng để
biết phải chọn lọc ý tưởng, hình ảnh và từ ngữ thế nào cho đánh động lòng
người. Ta cần can đảm loại bỏ những cái hay cái đẹp không phục vụ cho ý chính
của bài. Những tư tưởng, hình ảnh và từ ngữ dù hay nhưng không cần thiết cho ý
chính sẽ gây nên sự hỗn độn, thiếu mạch lạc, khiến bài viết bị phân tán, lạc
hướng và mất hẳn vẻ đẹp nó lẽ ra nó có thể có.
Trầm tư và đối thoại với Chúa. Suy niệm và chiêm niệm đơn giản là thế,
không gì khác hơn. Trong việc này, mục đích là gặp gỡ Chúa và sống thân mật với
Ngài. Đừng bao giờ làm thơ dệt nhạc đang khi cầu nguyện, vì như thế là lấy
chuyện sáng tác làm mục đích và biến Chúa thành phương tiện – đàng khác quả sẽ
bị hái non, chưa kịp chín. Hãy cứ cầu nguyện với hết tâm hồn, gạt tứ thơ ý nhạc
sang một bên, đừng nghĩ gì đến. Khi đã xong giờ cầu nguyện, một lúc nào đó, bất
chợt tứ thơ hứng nhạc bạn đã “hy sinh từ bỏ” ấy sẽ trở lại, ăm ắp đầy tràn.
4. SỐNG VỚI CHÚA
Bạn hãy tự xây dựng những khoảnh khắc trầm tư với Chúa bắt đầu từ thời khóa
biểu hiện nay trong đời Kitô hữu của bạn. Cha mẹ đã dạy bạn vừa thức giấc là
ghi dấu thánh giá cảm tạ Chúa và dâng ngày mới cho Chúa. Bạn hãy kéo dài việc
ấy thành dăm ba phút thinh lặng. Mỗi tối ăn cơm xong, bạn vẫn đọc kinh tối và
đoạn Tin mừng hôm sau trước khi học bài. Giờ đây hãy kéo dài việc đọc kinh ấy
thêm vài phút thinh lặng. Khi lên giường ngủ, bạn ghi dấu thánh giá và đọc một
hoặc ba kinh Kính mừng. Mẹ bạn đã dạy bạn như thế. Giờ đây hãy kéo dài việc ấy
thêm vài phút thinh lặng.
Ở đoạn kết truyện ngắn “Mối thiện cảm”, bạn Antôn Nguyễn Thanh Hậu viết:
“Lễ xong, tôi cố gắng nán lại thêm vài phút chỉ để nói chuyện thêm với Chúa vì
tôi muốn níu giữ thêm cái khoảnh khắc này.” Đó là kinh nghiệm sống đã góp phần
làm nên tác phẩm đạt giải nhất bộ môn văn của giải Đặng Đức Tuấn lần này.
Mỗi lần có việc tới khu vực nhà thờ, bạn hãy vào chào Chúa và thinh lặng
với Chúa vài phút trước đã. Nếu muốn nhân lên thêm, bạn có thể chọn những phút
đầu giờ chiều, khi giấc nghỉ trưa; hoặc khi chiều buông, nắng vàng hiu hắt hay
hoàng hôn quạnh quẽ…
Ngoài những khoảnh khắc dành ưu tiên cho Chúa như thế, bạn hãy tập thường
xuyên sống trước sự hiện diện của Thiên Chúa, luôn sống như thấy Chúa đang âu
yếm nhìn. Khi ngắm nhìn vạn vật dưới ánh mắt Chúa, bạn sẽ khám phá ra tình yêu
Ngài trong mọi sự. Tất cả mọi thứ quanh bạn sẽ trở thành có hồn, trở thành
những hình ảnh lung linh ngụ ý rất nhiều về tình yêu Thiên Chúa.
5. CÁI HAY CÁI ĐẸP PHẢI DỰA TRÊN SỰ THẬT VÀ ĐIỀU LÀNH
Bạn thường nghe nói: chân, thiện, mỹ. Ba từ ấy có nghĩa là: thật, tốt và
đẹp. Triết học Kitô giáo nói rằng ba nét ấy nằm sẵn nơi mọi thụ tạo của Thiên
Chúa; cả ba hòa nhập vào nhau, nâng đỡ lẫn nhau và cả ba đều là phản ảnh của
chính Thiên Chúa Tạo Hóa. Thiên Chúa vừa là chính Sự Thật, Sự Tốt Lành và Sự
Đẹp, vừa là nguồn gốc của mọi sự thật, điều tốt và cái đẹp trên cõi đời này.
Hiểu như thế, bạn sẽ thấy ngay văn chương và nghệ thuật chỉ chỉ hay và đẹp
đúng nghĩa khi chuyên chở sự thật và điều thiện. Tài viết văn làm thơ Chúa ban
cho bạn không phải để bạn ca tụng những chuyện vớ vẩn, giả dối, đồi bại. Tài
năng ấy là để phục vụ sự thật, điều thiện và vẻ đẹp thanh cao, tươi sáng.
Đã hẳn bạn chẳng bao giờ dùng ngòi bút để ca tụng điều xấu và sự giả dối.
Tuy nhiên như thế chưa đủ. Bạn còn được mời gọi viết hay để ca ngợi sự thật,
những điều thiện và những vẻ đẹp phản ảnh Thiên Chúa. Trên đường luyện văn, bạn
hãy tập luôn suy nghĩ đúng sự thật, sống chân thật, và luôn diễn tả điều có
thật một cách đơn sơ và dễ hiểu. Bạn hãy suy nghĩ để luôn đứng vững trong điều
tốt, cổ võ điều tốt và can đảm bênh vực điều tốt.
6. VỀ VỚI THINH LẶNG
Sau cùng, để chọn được những ý tưởng và hình ảnh tuyệt vời cho bài viết của
mình, bạn cần tự tạo cho mình một môi trường thuận lợi: Sự thinh lặng. Để đọc
sách, để trầm tư và gặp Chúa, bạn cần yêu thích sự thinh lặng.
Bạn cần biết cách thoát khỏi áp lực của văn minh tiêu thụ, và phải can đảm
nữa mới làm được điều đó: tắt TV, tránh nhạc kích động, tiết chế nhắn tin,
chat, lướt mạng cách vô ích, loại trừ rượu bia, thuốc lá, vv… Làm chủ được giác
quan bên ngoài, bạn sẽ giữ được tấm lòng bình an, thanh thản và trong sáng.
Hãy giành lại cho mình những khoảnh khắc riêng tư và những khoảnh khắc để
sống một mình với Thiên Chúa Chí Thánh, rồi bạn sẽ cảm nghiệm được sự tự do tuyệt
vời của người dấn thân phục vụ Đấng là Chân, Thiện, Mỹ. Gần gũi Ngài, bạn sẽ
dạt dào những cảm hứng để viết nên những bài thơ và bài văn thật hay và hữu ích
cho nhân loại.
Giữa xã hội xô bồ, bạn hãy tự tạo cho những góc hẹn và giờ hẹn để gặp Chúa.
Hãy tự kiến tạo cho mình một sa mạc để có thể khám phá Đấng Vô Cùng trong thinh
lặng và yêu mến. Ở đó, bạn sẽ không kìm lòng được và sẽ thốt lên muôn vàn thơ
nhạc tuyệt vời. Đó không phải là sáng kiến của tôi nhưng là lời mời gọi chính
Thiên Chúa đã muốn ngỏ với bạn từ ngàn xưa:
“Này Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, và ở đó, lòng
kề lòng, Ta sẽ thổ lộ tâm tình” (Hs 2,16).
No comments:
Post a Comment