Sunday, May 4, 2014

TÌM NGUỒN CẢM HỨNG THÚ VỊ TRONG VIỆC HỌC ĐẠO


TÌM NGUỒN CẢM HỨNG THÚ VỊ
TRONG VIỆC HỌC ĐẠO

 Đề tài I “CON ONG TÀI BA HƠN CÁC NHÀ KHOA HỌC

Học đạo là một trong ba chân kiềng quan trọng của việc sống đạo đối với tất cả mọi Kitô hữu ở khắp nơi trên thế giới nói chung, và với mỗi Cursillista (người đã học khóa ba ngày) của Phong trào Cursillo nói riêng. Kiềng ba chân đó là: Sùng đạo, Học đạo và Hành đạo. Bởi lẽ, nếu ta không học hỏi liên tục hầu hiểu biết về quyền năng tuyệt đối, và lòng yêu thương vô bờ bến của Thiên Chúa đối với chúng ta để chúng ta  có lòng tin tưởng sắt son, mạnh mẽ nơi Ngài thì làm sao ta có lòng Cậy trông, và đặc biệt là lòng Yêu mến Thiên Chúa được.

Ông bà ta đã nói: “Vô tri bất mộ” là như thế. Và hơn nữa, sự học không có trang cuối cùng. Càng học trí tuệ càng được mở mang, và ta lại càng nhận rõ hơn mình quá nhỏ bé trước vũ trụ bao la này. Sự học giúp ta biết mình hơn, biết người hơn, và biết khiêm tốn hơn.

Thánh Vịnh chương 19 (18) câu 2 đã dạy chúng ta: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo việc tay người làm”.
Câu Thánh Vịnh trong Kinh Thánh thật ngắn gọn, nhưng hàm chứa ý nghĩa bao la, sâu thẳm đã mời gọi chúng ta cùng ra sức tìm hiểu để thấy được phần nào quyền năng vô biên, và vinh quang cao cả của Thiên Chúa ở ngay trong các tạo vật, do Ngài yêu thương con người mà tạo dựng.

Trong ý hướng đó, trang viết này dành để tìm hiểu một số điều kỳ thú nơi loài ong. Chúng ta biết được bao điều kỳ diệu lạ lùng, thú vị của loài ong là nhờ vào những theo dõi, nghiên cứu, khám pha với bao khổ cực, hy sinh nhiều năm tháng, có khi mất cả đời người của bao người, và các nhà khoa học khắp nơi trên thế giới từ bao đời nay.

Tổ chức đời sống trật tự và “Qui trình dân chủ tối ưu” của loài ong
Tổ chức đời sống trật tự của loài ong

Ong, loại côn trùng được coi là có tổ chức xã hội cao nhất, hơn cả kiến, mối, mọt. Chúng sống theo đàn, mỗi đàn khoảng từ 25.000 đến 50.000 con. Mỗi đàn chỉ có một con ong chúa, mấy chục ngàn ong thợ, ong đực chiếm khoảng 1% đàn ong, ong non..
Ong chúa cánh ngắn, thân to hơn các loại ong khác, và chỉ có nhiệm vụ đẻ trứng. Trung bình ong chúa đẻ 1500 trứng ong thợ một ngày. Ong chúa chọn ngày thích hợp đẻ ong đực non, và ong chúa non, chuẩn bị tạo vương quốc mới. Ong chúa sống từ 3 đến 5 năm.
Ong thợ thân nhỏ, cánh dài, đông nhất trong đàn, có nhiều nhiệm vụ khác nhau: làm tổ, bảo vệ và giữ điều hòa nhiệt độ tổ từ 33 đến 35 độ C, nuôi ong con, thám thính, tìm vùng có hoa lấy mật, tạo ra mật…
Ong đực không phải làm gì cả, chỉ ra khỏi tổ một lần đuổi theo ong chúa để gieo tinh. Con nào khỏe nhất bay theo kịp ong chúa được giao phối với ong chúa rồi sau đó cả đàn ong đực đều chết hết vì bị bỏ đói.

Hành trình tạo vương quốc mới “chia bầy”,và “qui  trình dân chủ tối ưu”.

Một công trình nghiên cứu thú vị của Thomas Seeley thuộc trường Đại học Cornell (Hoa Kỳ) về tiến trình chia bầy của loài ong khi đàn ong quá đông đã cho ta biết:

Đầu tiên, vài trăm con ong trinh sát tỏa ra các hướng để tìm địa điểm xây tổ thích hợp.

Tiêu chuẩn chọn lựa, ong thường chọn hốc cây rỗng hướng nam, to khoảng hơn 20 lít, ở trên cao cách mặt đất trên 3met, miệng hốc không quá 30 cm vuông.

Vũ điệu báo tin của ong. Giải thưởng Nobel về Sinh lý và Y khoa năm 1973 đã trao cho 3 nhà khoa học là Karl Ritter Von Frisch (1886-1982), Nikolaas Tinbergen và Konrad Loenz đã cho ta biết loài ong có thể báo các  thông tin  qua các vũ điệu.

Với những vũ điệu khác nhau của ong thám thính vũ trước tổ, đàn ong sẽ nhận ra  khoảng cách từ tổ đến nơi có hoa; các đặc điểm của nơi có thể làm tổ mới …. Bầy ong lại cử từng đoàn đi kiểm tra lại. Những đoàn thám thính tự rút lui khi nhận thấy nơi nhóm mình giới thiệu thua kém các nhóm khác.

Cuối cùng chỉ còn một địa điểm duy nhất được đàn ong thống nhất chọn lựa, không có sự tranh chấp dành dật. Tất cả diễn ra không quá 16 giờ. Sau đó một nửa đàn ong do một ong chúa dẫn đi, một nửa ở lại với một ong chúa đã trưởng thành.

Ong tài ba hơn các nhà toán học, nhà vật lý học, nhà hóa học và nhà kiến trúc

Quan sát tổ ong

Nhìn vào miệng các tổ ong ta thấy, đó là vô số hình lục giác đều (sáu góc, sáu cạnh) được con ong xây dựng liền nhau, mỗi cạnh đo được khoảng  2,7mm, cạnh chiều sâu mỗi khối lục lăng đo được 11,3mm. Miệng tổ ăn thông với một khối hình lục lăng. Con ong đã được bẩm sinh làm như thế. Đây quả là một điều kỳ diệu. Nhưng điều kỳ diệu đó còn lạ lùng hơn khi quan sát và đo lường các đáy chung của các khối lục lăng tổ. Các đáy của các khối lục lăng đó không phẳng như miệng tổ; đáy tổ là sự kết hợp của ba hình thoi bằng nhau.

Năm 1712 nhà khảo cứu Maraldi người Ý đã đo được như sau: góc tù hình thoi ở đáy tổ ong là 109 độ 28 phút; góc nhọn là 70 độ 32 phút (Phỏng theo tài liệu Giáo sư Hoàng Xuân Hãn 1908- 1996; HXH tập I trang 1044, và Bachkhoatrithức. VN).

Giải bài toán: thể tích lớn nhất mà diện tích xung quanh nhỏ nhất.

Bài toán có thể tóm tắt như sau: “hãy làm một cái bình theo hình thù như thế nào để chứa được nhiều nước nhất, mà lại tốn diện tích xung quanh ít nhất. Nhiều bình ghép lại chiếm không gian ít nhất?” (hai nhà Vật lý học Réaumur và Leomiule người Pháp đưa ra).

Bài toán trên đã như một thách đố lớn với các nhà toán học trên thế giới. Nhiều nhà toán học đã sử dụng các phép tính cao cấp để tìm kết quả.  Sau nhiều thập niên nghiên cứu, họ đã thống nhất với nhà toán học Kenige người Thụy Sỹ là phải làm cái bình  đúng như tổ ong đã mô tả trên thì chứa được nhiều nước nhất, và tốn diện tích xung quanh nhỏ nhất; chứ không phải khối vuông, khối ống, khối cầu hay khối tam giác…Bởi vì, nếu muốn có một miệng tổ rộng 20 mm vuông như tổ ong, mà làm theo hình tam giác đều thì chu vi mất 20,4mm; làm theo hình vuông thì chu vi mất là 17,9m; làm theo hình lục lăng đều của ong thì chu vi chỉ mất 16,6mm. Các khối ống và khối cầu khi ghép với nhau có nhiều khe hở tốn diên tích, nên không được tính đến.

Kenige cho biết chỉ có một chút khác biệt là góc tù và góc nhọn của ba hình thoi ở đáy tổ ong là 109 độ 28 phút và 70 độ 32 phút thì các nhà toán học tính là 109 độ 26 phút và 70 độ 34 phút. Nhà toán học Kenige kết luận con ong sai 2 phút ở góc tù và nhọn ở 3 hình thoi đáy bình chung.

Năm1743 nhà toán học người Anh Colin Maclaurin đã tính lại, kết quả cuối cùng hoàn toàn đúng với số đo hai góc của tổ ong như nhà khảo cứu người Ý Maraldi đã đo năm 1712. Lý do Kenige tính sai 2 phút là vì ông dùng bảng Logarithme có số lẻ sai (nguồn: Phỏng theo sách 10 vạn câu hỏi vì sao, nhà xuất bản Mỹ Thuật).

Từ kết quả đo lường trên, các nhà khoa học kết luân phải làm bình đúng như tổ ong sẽ tốn ít diện tích và không gian nhất, mà chứa được thể tích lớn nhất.

Ngoài ra, các nhà khoa học còn cho biết, xây dựng theo khối lục lăng của tổ ong sẽ bền vững nhất, khi có các tác động lực bên ngoài vào tổ. Trong lúc, lực tác dụng vào các hình khối khác thường bị biến dạng và có khuynh hướng biến thành khối lục lăng như loài ong đã làm.
Còn sáp ong được chế tạo ra sao lại là một chuyện lạ nữa! Con ong hút mật vào bụng, sau một ngày một đêm, những hạch sáp ở bụng ong biến hóa mật ong thành sáp rồi tiết ra 4 đôi hạch sáp ở dưới bụng. Sáp được miệng ong nhào nặn, khi ra không khí sáp này trở nên dẻo quánh để đắp tổ ong. Cứ 3kg mật và ít phấn hoa tạo ra 1 kg sáp. Sáp ong là môi trường tinh khiết nhất, kháng khuẩn mạnh nhất. Việc mật ong hóa sáp khiến ta liên tưởng tới con tằm chỉ ăn lá dâu vào trong bụng, mà tạo ra sợi tơ vàng óng ánh cho ta những nén tơ đẹp đẽ giá trị (Nguồn: USAPHA chuyên gia về ong mật).
Mật ong có công dụng ra sao lại là một chuyện dân gian không bao giở kể hết, nào là giúp trẻ còi mau lớn, chữa ho, đau bao tử, chữa lành vết thương… Chính Tiến sỹ Phùng Hữu Chính, Giám đốc Cty ong miền núi cho biết: mật ong có trên 180 chất gồm đường đơn, protein, axit amin….Mật ong và sáp ong có khả năng kháng khuấn kỳ diệu. Người ta đang tìm hiểu hơn 1143 loài thực vật và hoa mà loai ong ưa thích thường lui tới để hút nhụy hầu tìm ra loài cây, loài hoa  nào kháng khuẩn cao nhất.

Loài ong được thiên phú làm như thế theo bản năng chứ ong đâu có trí khôn học hành gì như các nhà khoa học. Như thế, ong quả thực đã hơn cả các Thần Đồng Toán học, Thần Đồng Vật lý, Thần đồng Hóa học , Thần Đồng Kiến trúc và các khoa học khác!

Con người ngày nay đã vận dụng những ưu điểm của tổ ong vào việc xây dựng hiện đại trong thiết kế cánh máy bay, vách vệ tinh, tầu con thoi hay vô số cấu trúc trong nhà, đồ nội thất, gia dụng, thiết bị văn phòng, điện tử và các sản phẩm khác (Nguồn: Báo Nông Nghiệp VN 13-11-2013). 

Dẫu nhân loại ngày nay đã tiến bộ nhiều, nhưng hiểu biết của loài người trước vũ trụ muôn loài do Thiên Chúa tạo dựng mới chỉ như một giọt nước giữa đại dương; một hạt cát trong sa mạc; một chiếc lá giữa rừng cây.,.

       Inhaxio Đặng Phúc Minh


No comments:

Post a Comment