LINH MỤC AUGUSTINO NGUYỄN VIẾT CHUNG THẦN TƯỢNG CỦA TÔI
Từ nhà thương đến nhà Chúa
Vốn
là một bác sĩ ngoại đạo, cuộc đời thánh hiến đã đến với cha Augustinô
Nguyễn Viết Chung, Tu hội Truyền Giáo Thánh Vinh Sơn (CM) từ những dấu
ấn khó phai. Buổi thực hành mô phôi.
Vượt
qua cung đường gió bụi, men theo con hẻm nhỏ lạo xạo sỏi đá, khúc khuỷu
như thách thức người cầm lái, chúng tôi gặp cha nơi cộng đoàn heo hút
giữa núi rừng thuộc xã Đăk Tân, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kontum. Giọng chậm
rãi, nhỏ đều, vị linh mục ngoài 60 kể về đời mình như chỉ mới ngày hôm
qua.
Sinh
ra và lớn lên trong gia đình khó khăn có sáu anh chị em ở Sài Gòn, tuổi
thơ cậu bé Chung là những tháng ngày không êm ả vì ba mẹ hay cãi vã, hục
hặc. Ký ức ấy gieo vào tâm trí cậu nỗi ám ảnh, sợ hãi về nơi mà số
đông người gọi là tổ ấm. Năm 1973, khi đang học lớp 12, cậu tình cờ đọc
được bài báo về sự ra đi của Đức cha Jean Cassaigne - Giám mục của
những người bị bệnh phong. Cuộc đời nhân đức, phục vụ quên mình của
ngài chợt tác động mạnh mẽ lên tâm thức cậu học trò. Cậu thấy trần gian
vẫn còn bao điều tốt đẹp, ý nghĩa và đáng để sống thật trọn vẹn. Một
tia hy vọng, một niềm tin mới dần le lói sau những ngày dài bi quan,
chán nản. Nắng xuân đã về xua tan đông dài lạnh lẽo.
Ngày
4.11.1974, cậu đạt được ước mơ đỗ vào Trung tâm Giáo dục Y khoa Sài Gòn
(nay là ĐH Y Dược TP.HCM) để sau này săn sóc bệnh nhân phong như thần
tượng J. Cassaigne. Kinh tế nhà eo hẹp, để có tiền trang trải học phí,
chàng sinh viên nghèo đạp xích lô buổi tối kiếm thêm ít đồng. Được một
thời gian, không đủ sức khỏe, giờ giấc lại eo hẹp, cậu ngưng việc, tập
trung đèn sách. Bữa nọ, trước lúc tiến hành thực nghiệm mổ xác, giảng
viên dạy môn Mô phôi (là một linh mục) yêu cầu học trò tham dự thánh lễ
cầu nguyện cho người đã hiến xác tại nhà thờ Thánh Jeanne d’Arc (quận 5,
TPHCM), cách trường 1 cây số. Nét thánh thiện về đời tu và chuyên môn
vượt trội của người thầy đã đặc biệt thu hút cậu. Thế nên chiều cùng
ngày, khi thầy đề nghị viết thông tin cá nhân gởi về, kèm câu hỏi phụ:
“Sau khi tốt nghiệp, bạn muốn làm gì?” cậu Chung đã viết: “Con muốn trở
thành linh mục giống thầy.” Dù bấy giờ, cậu chưa là người Công giáo.
Năm
1980, sinh viên Nguyễn Viết Chung ra trường. Đồng lương Nhà nước eo
hẹp khi đất nước còn khó khăn, phải xoay sở bằng việc khác. Rồi cậu nộp
đơn gởi Sở Y tế TP trình bày mong muốn chăm lo người bị bệnh ở Di Linh
nhưng bị từ chối vì không đúng tay nghề (cậu thuộc chuyên ngành Ký sinh
trùng sốt rét). Khoảng từ 1986 - 1989, bác sĩ Chung làm việc tại Trạm
sốt rét Đồng Nai. Cuối năm 1989, cậu xin vào Bệnh viện Da liễu TPHCM,
có cơ hội trau dồi những kiến thức về bệnh phong. Ba năm sau, bác sĩ
Chung lên trại phong Bến Sắn (tỉnh Bình Dương) phục vụ. Điều ấp ủ,
trông đợi lâu nay cuối cùng cũng thành hiện thực. Ngày qua ngày, chứng
kiến sự tận tâm với người bệnh nơi những nữ tu thuộc Tu hội Nữ Tử Bác Ái
Vinh Sơn, ý định muốn dâng mình lại sáng lên trong lòng người thầy
thuốc.
Nhờ
sự hướng dẫn, giúp đỡ của các dì, ngày 15.5.1993, bác sĩ Chung được rửa
tội. Tiếp đến, “người tân tòng” bắt đầu tìm hiểu Tu hội Truyền Giáo
Thánh Vinh Sơn. Cứ làm việc ba tuần, ghé Tu hội một tuần, trong vòng
một năm. Do lớn tuổi và đặc thù công việc nên mọi người cũng cảm thông
trường hợp “hiếm, lạ” này. Năm 2002, thầy hoàn tất chương trình Triết
học và Thần học. Tới lễ Truyền tin năm 2003, thầy Chung thụ phong linh
mục tại Dòng Chúa Cứu Thế (quận 3 - TPHCM). Điều kỳ diệu mà Thiên Chúa
làm đã được tỏ bày qua hành trình ơn gọi đầy trúc trắc và không ít những
bất ngờ thú vị ấy.
“Xin vâng”
Sau
ngày chịu chức, cha giúp Mái ấm Mai Hòa chăm sóc người bị nhiễm HIV
(huyện Củ Chi, TPHCM) và dạy học tại một số cộng đoàn của Tu hội. Năm
2009, vâng lời Bề trên, cha bắt đầu gắn bó cùng bà con dân tộc thiểu số
trên dải đất Kontum. Môi trường sống mới, đối tượng tiếp xúc mới, song
cha mau chóng thích nghi và hòa nhập.
Qua
tìm hiểu, người mục tử nắm cụ thể những thiệt thòi, khổ cực mà bà con
Thượng gánh chịu. Đi tìm lời giải cho câu hỏi tại sao họ rơi vào cảnh
ngộ đó, cha gút nhận ra các rào cản chính như bệnh tật, thất học, không
có đất canh tác… “Nhiều nhà có nương rẫy nhưng do họ mù mờ nên bị người
dưới xuôi lợi dụng, cho vay nặng lãi tới mức phải bán hết đất, hết vườn
để trả nợ”, cha giải thích. Thế là, cha hỗ trợ anh em mua miếng rẫy
khác đặng có chỗ cắm cây mì, trồng cây bắp sinh sống. Đi đôi với trồng
trọt, cha gởi các hộ khó khăn trong thôn cặp bò giống và cùng họ chăn
nuôi để chờ ngày có bê. Một tuần đôi ba lần, cha chạy vào làng thăm
chừng chuồng trại, thức ăn, con nào bệnh, con nào sắp đẻ hay có “ẻm” nào
“bốc hơi” vì: “Người dân tộc mà, túng quá sẽ bán ngay để có tiền hay
làm thịt cho cả nhà ăn chứ đâu suy tính chuyện dài lâu”, cha mỉm cười.
Mấy
bận thăm hỏi bản làng, thấy túp lều nhà ai xuống cấp đáng thương, cha
ngược xuôi giúp một tay để họ có được chốn tựa lưng đàng hoàng tử tế, để
gió mùa đông thôi lùa vào thông thốc. Cái khổ nữa là người Thượng ít có
nhà vệ sinh, hầu hết đều “giải quyết” tự do nên cha ra sức giúp bà con
“cải thiện thực trạng” vì điều này ảnh hưởng đáng kể tới sức khỏe, môi
trường. Khi mảng dân sinh tạm ổn, cha lo đến y tế. Hễ làng nào có
người phong cùi, bóng dáng “áo chùng thâm” lại xuất hiện ngay bên: đưa
họ ra cơ sở chữa trị, lo phí ăn uống, vận chuyển, ủi an... Sau hết, cha
dồn mọi trăn trở vào khoản giáo dục. Bà con nếu muốn đổi đời, muốn con
cháu bớt khổ cần mau mắn “đầu tư” cho chúng chữ nghĩa, tri thức. Phụ
huynh chưa nghĩ xa tới chuyện đó, cha nghĩ và phân tích thay họ. Để gia
đình yên tâm, bớt áp lực, cha đồng hành lo học phí, sách vở... Dẫu cực
mấy nhưng thấy “hoa trái” thu về, lòng lại an yên.
Có
thể nói, những tên làng như Konscôi, Konken, Konselat (xã Đăk Ruồng,
huyện Kon Rẫy) từ lâu thân thuộc với cha như hình với bóng. Làng gần
nhất cách nơi cha ở 7 km. Đường đi mù bụi, lởm chởm mấp mô, quệt vội
giọt mồ hôi rồi nổ máy, cha cứ thế dấn bước hết năm này tháng nọ. Nhưng
đâu chỉ có vậy. Ở những thôn xa xôi tận huyện Đăk Hà, Đăk Tô hay Ngọc
Hồi cũng in rõ dấu chân vị linh mục vùng cao. Hôm nào khỏe, cha tranh
thủ sáng đi chiều về, lúc mệt thì ngủ qua đêm do đường xấu lại xa. “Thế
mới thấy hết ý nghĩa đời tu. Nghĩ tới hình ảnh mấy đứa bé chết vì suy
dinh dưỡng, ngộ độc khoai mì (*) lòng lại ray rứt không yên nên làm được
gì giúp họ cứ làm, kẻo muộn”, cha chia sẻ.
Xế trưa,
một phụ nữ thuộc sắc tộc Rơ Ngao cầm nải chuối già từ xa lên biếu cha
để cảm ơn vì căn nhà đã xây xong. Tấm lòng của cha, sự đơn sơ nhưng
chân tình của chị khiến chúng tôi chợt nghĩ, nếu ngày trước Đức cha
Cassaigne từng hé mở một mùa xuân mới trong cuộc đời cha, thì nay cha
đang mang mùa xuân ấm áp đó đến với muôn dân, trên vạn nẻo đường.
Phú Khang
(*): Bà con dân tộc thiểu số thường hái lá khoai mì nấu canh ăn bởi quá nghèo.
__._,_.___