Wednesday, June 27, 2012

Mù (blind)-Nguyễn Ngọc Duy Hân

MÙ (BLIND)

Nguyễn Ngọc Duy Hân

Năm ngoái chúng tôi có dịp hội ngộ với Nguyễn Quốc Phong khi thầy sang thăm Canada. Thầy là người thành lập và coi sóc Mái Ấm Thiên Ân, nơi nuôi và dạy nghề cho các em mù tại Saigon, Việt Nam. Thầy Phong bị mù vì tai nạn xe trong khi đang tu để thành Linh Mục Công Giáo. Khi nghe thầy nói ở Việt Nam có khoảng 900 000 người mù, tôi nghĩ thầy nói lộn - vì theo tôi gần một triệu người bị mù là con số quá lớn khó tin được. Sau này xem lại, tôi biết thầy đã không sai. Trên thế giới, có khoảng 285 triệu người mù, gồm 39 triệu bị mù hoàn toàn và 246 triệu bị suy giảm thị lực. 90% những người khiếm thị này sống ở các nước nghèo, hai phần ba là phụ nữ, 19 triệu trong tuổi thiếu nhi. Trên thế giới, cứ mỗi 5 giây thì có một người bị mất đi ánh sáng. Chúng tôi cũng có vài người bạn và bà con bị mù, nên rất muốn tìm hiểu về đề tài này.

Trong Kinh Thánh, đã có nhiều đoạn nói về sự đui mù cũng như kể lại việc Chúa Giêsu chữa lành cho người mù được sáng. Dù mù hay què, tình thương Thiên Chúa luôn tràn đầy trên tất cả mọi người. Ngày còn bé, chúng tôi hay hát “Có con dế mèn, thức trong đêm khuya, hát xẩm không tiền, nên nghèo xác xơ”. Hát xẩm là hát dạo để xin tiền kiếm sống, mà người hát thường là người mù. Nhà thơ Lưu Trọng Lư viết: “Mắt em là một dòng sông, thuyền anh bơi lội giữa dòng mắt em”. Nếu câu thơ này gởi tặng cho một cô gái mù để tỏ tình, thì thuyền tình đang bơi lội giữa dòng nước đen thăm thẳm!

Chắc ai trong chúng ta cũng thuộc vài câu thơ trong chuyện Lục Vân Tiên. Ông Đồ Chiểu đã dùng 2000 câu lục bát kể lại chuyện chàng trai lên kinh thành dự thi Trạng Nguyên, nửa đường hay tin mẹ mất nên khóc thương đến nỗi mù hai mắt. Bị hãm hại, rắc rối nhưng cuối cùng Vân Tiên đã được bà tiên chữa lành và trùng phùng với người yêu là Kiều Nguyệt Nga. Chuyện đời thật của ông Đồ Chiểu giống y như thế, chỉ khác là không có vị Tiên nào chữa ông khỏi mù! Ông sống bằng nghề dạy học và thầy thuốc. Để mua chuộc ông, bọn Pháp đề nghị trả lại đất nhà ông mà trước đây họ tịch thu, nhưng ông cương trực trả lời: “Đất vua không ai trả, thì đất riêng của tôi có sá gì". Thực dân Pháp cho Tôn Thọ Tường là bạn đến khuyến dụ, nhưng Nguyễn Đình Chiểu luôn tìm cớ lánh mặt. Tường gửi tặng ông hũ mắm cá lóc, nói là do chính tay vợ Tường làm, rồi để dưới đáy hũ mấy nén vàng. Ông Đồ Chiểu rất giận, viết thư trách Tôn Thọ Tường và lập tức cho người trả lại (Chẳng bù với các cán bộ ta ngày nay, nếu không được tặng “phong bì” là có chuyện!). Ông Đồ không thèm xài xà-bông, không đi trên đường tráng nhựa do Pháp làm, dù mù lòa vẫn mò mẫm bước đi trên các con đường làng quanh co lầy lội. Quan Pháp Ponchon quý người tài đức, phải chịu thua cho ông thực hiện ước nguyện. Nguyễn Đình Chiểu được phép tổ chức một buổi lễ tế vong hồn người chết vì chống Pháp. Nghe ông đọc bài Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc, không ai cầm được nước mắt. Tôi rất ngưỡng mộ gương ái quốc của ông.

Trong các cây trái miền quê Việt Nam, có trái vừa mù vừa u mà vẫn giúp được trong việc chống Pháp. Chuyện kể khi lính Pháp kéo vào cửa Thuận An, gần đàn Xã Tắc vào ban đêm, vua Tự Đức đã cho quân mai phục đổ ra đường đầy hột mù u. Lính Pháp đi giày da, không chuẩn bị nên té bò càng, quân ta nhào ra đánh xáp lá cà, Pháp thua chạy tán loạn. Ngày nay người ta vẫn còn truyền tụng câu “Ngó lên Xã Tắc hai hàng mù u”. Tôi chưa được thấy cây mù u ra sao, nhưng bạn tôi bảo sẽ về Việt Nam tìm một mớ hột, khi các ông chồng dở thói mát-xa, mát-gần (đi massage đấm bóp) đi nhậu về trễ, sẽ rải hột mù u trước phòng để mấy ổng té chỏng gọng cho bõ ghét. Nghe có lý quá phải không các chị?!

Trong bộ chuyện chưởng Cô Gái Đồ Long của Kim Dung, có một nhân vật cũng rất khó quên: Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn. Ông là nghĩa phụ của Trương Vô Kỵ, rất giỏi võ công, bị nhiều hận thù oan trái chồng chất. Ông ác với kẻ ác nhưng tốt với người thân vô cùng. Tạ Tốn bị Hân Tố Tố đâm mù mắt. Sau khi ân đền oán trả, ông vào Chùa quy y cửa Phật, quên đi cuộc sống giang hồ đầy sóng gió. Hồi bé ở Tây Ninh tôi có xem vở cải lương này do kép Thanh Sang đóng vai Tạ Tốn, tôi phục lăn Thanh Sang vì anh giả mù rất giống thật, hầu như không chớp mắt cả buổi trình diễn.

Trên thế giới, có rất nhiều người mù tài giỏi, nổi tiếng. Đầu tiên phải kể tới Louis Braille (1809- 1852), bị mù lúc bé vì tai nạn do chính mình gây ra. Braille đã nghĩ ra bộ chữ nổi, giúp người mù đọc được bằng cách sờ vào mặt chữ.

Kế tới là Galileo Galilei (1564-1642) một nhà thiên văn học, vật lý học, toán học và triết học người Ý, đóng vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng khoa học. Galilei bị mù hoàn toàn năm 1638.

Franklin Roosevelt (1882-1945) về già cũng đã bị mù. Ông là Tổng Thống thứ 32 của Hoa Kỳ, một khuôn mặt nổi trên thế giới giữa thế kỷ 20.

Emerson Moser là nhà sản xuất loại bút chì màu sáp Crayola, trẻ em nào chắc cũng đã dùng qua. Sau 37 năm làm việc, ông đã đúc hơn 1,4 tỷ bút chì màu. Ông bị loạn sắc, mù màu xanh, không thấy hết màu các cây viết ông đã chế tạo.

Bing Crosby, một nghệ sĩ nổi tiếng ở Mỹ, được ái mộ nhưng hay bị cười về cách phục sức. Ông nhìn màu xanh da trời ra xanh lá cây, nhìn súp cà chua ra súp đậu, nên ăn mặc màu sắc tương phản. Nền của Facebook có màu xanh da trời vì người sáng lập - Mark Zuckerberg - bị mù màu đỏ và xanh lá cây. Chó, mèo, thỏ chỉ thấy chủ yếu là màu xám. Loài khỉ có tầm nhìn màu sắc mạnh hơn, trong khi ong bướm có thể thấy nhiều màu sắc khác lạ hơn con người. Nếu một phụ nữ bị loạn sắc, tất cả các con trai của bà cũng sẽ bị mù màu, nhưng người cha sẽ không di truyền bệnh loạn thị cho con trai mình. Có mắt kiếng đặc biệt giúp người loạn sắc chút chút, nhưng chưa có cách chữa bệnh mù màu này. Những người mù màu đỏ phải cẩn thận khi ăn thịt bò beefsteak, vì không biết thịt đã chín chưa hay còn đỏ máu. Ngày nay nếu cận thị, mình không cần đeo kiếng dầy cộm như xưa mà có kiếng siêu mỏng, hoặc dán sát tròng (contact lense), hay bắn tia laser cho khỏi đeo kiếng.

Tại huyện Mê Linh, Hà Nội có ông Nguyễn Văn Sơn, khiếm thị nhưng đạp xe đi khắp nơi. Nhưng ông Sơn nổi tiếng không vì tài chạy xe đạp, nhiều người biết tới ông vì ông mù mà có tới 11 vợ, 24 đứa con.

Ông Lê Đình Hậu ở Nghệ An có thể lái xe gắn máy đi khắp nơi dù không hề thấy ánh sáng mặt trời, nhiều người lo sợ vì việc này nguy hiểm cho chính ông và người xung quanh.

Thí sinh khiếm thị Nguyễn Thanh Bình đã đến với Vietnam's Got Talent làm ai cũng thích thú vì Bình chơi được 15 nhạc cụ khác nhau. Tại hải ngoại, người đàn guitar khiếm thị nổi tiếng Nguyễn Đức Đạt cũng rất được yêu mến.

Nhật là quốc gia đầu tiên đã có cuộc thi quần vợt (tennis) cho người mù. Rất nhiều người trên thế giới đã thành công, đoạt nhiều giải thưởng trong các bộ môn thể thao khác nhau, cũng như thành công trên thương trường, trong nghệ thuật, văn chương, tài giỏi gấp mấy lần người sáng mắt. Gần đây nhất là việc cô gái khiếm thị Mỹ gốc Việt đã thi làm Vua Đầu Bếp (Master Chef) - do đài truyền hình Fox tổ chức. Hà Christine chỉ cần lắng tai nghe tiếng nước sôi hoặc tiếng xèo xèo chiên tỏi là biết món ăn đã được nấu tới độ nào. Christine đã nổi bật trong số 30000 ứng viên đủ các sắc dân và có nhiều triển vọng đoạt giải thưởng $25000 đô Mỹ qua món cá bông lau kho tộ. Nhìn đĩa cá vàng óng nước mầu, trang trí đẹp mắt của cô mà tôi mắc cỡ, vì món cá kho của tôi khi thì đen thui, khi thì lợt lạt như nước ốc. Bếp của cô ngăn nắp thứ nào ra thứ đó để không bị lẫn lộn, không như tôi vất đồ đạc lung tung, khi cần kiếm muốn chết.

Nhưng người đặc biệt nhất tôi muốn nói tới là Trần Quang Thành (Chen Guangcheng, sinh năm 1971), là một trong những nhà tranh đấu cho nhân quyền tại Trung Hoa hiện nay. Ông được mệnh danh là “Người Mù Đem Lại Ánh Sáng Cho Thế Giới”. Bị mù từ nhỏ, nhà ở quê nghèo, nhưng ông không ngừng học hỏi để trở thành Luật Sư tranh đấu cho người dân, dám nói lên sự thật. Vì thế ông và cả gia đình bị nhà cầm quyền Trung Cộng thẳng tay đàn áp, đánh đập, giam lỏng. Không chịu thua, ngày 22 tháng 4 năm 2012, Trần Quang Thành tìm cách trèo tường, qua mặt mấy chục công an kiểm soát. Trong đêm tối, ông đi bộ hàng chục cây số, té lên té xuống gãy cả xương chân. May mắn, ông được giúp chở lên Tòa Đại sứ Mỹ ở Bắc Kinh. Tại đây, ông thu một cuộn phim video tố cáo Trung Cộng. Ông được can thiệp tới Mỹ tị nạn, dù Trung Cộng vẫn “sĩ diện” nói là họ cho ông đi du học (Nhà cầm quyền Tàu có lẽ nghĩ thế giới này mù hết, không ai biết sự gian dối của họ!).

Để giúp người mù, nhiều phát minh khoa học đã được sáng chế.

Loài dơi, cá heo không thấy đường trong đêm tối nên đã đánh lưỡi rồi nghe tiếng động dội lại để định hướng. Dựa theo nguyên tắc này, người ta có cách tập luyện cho người khiếm thị gọi là Echolocation. Đã có người tập thuần thục tới nỗi biết được người trước mặt mình là nam hay nữ, mập hay ốm, có thể leo núi, chạy pa-te (roller skate) một cách khéo léo. Con nít mù thì chơi game dễ như... chơi!

Những chú chó hướng dẫn - Guide Dog - cũng được tập luyện để giúp các người khiếm thị. Chó phải thuộc giống đặc biệt, được huấn luyện trong ít nhất hai năm, vượt qua 55 cuộc thi thử nghiệm trước khi làm việc. Loại chó dẫn đường này rất mắc, thông thường khoảng $35000 đô Mỹ một con (bằng giá một chiếc xe hơi tốt) nhưng không ai có thể tự bỏ tiền ra mua được. Người khiếm thị phải hội đủ một số điều kiện, phải đi gây quỹ xin đủ tiền ủng hộ mới làm chủ được con chó. Nếu ra đường gặp loại chó này, ta không nên đi sát bên trái của chó hoặc phía phải của người mù, vì sẽ làm chủ tớ lẫn lộn, nhất là không được ra lệnh cho chó hoặc tự ý giúp chủ nhân trước khi được phép.

Mái Ấm Thiên Ân chuyên sản xuất các cây gậy trắng, hữu dụng cho người mù. Hiện nay tại Âu Mỹ, có loại gậy được gắn thêm một công cụ đặc biệt, ngoài mục đích dò đường, còn có thể “cảm” được người trước mặt mình đang vui hay buồn (Quý ông cũng nên sắm một cây gậy loại này, vì nhiều khi các bà hờn giận, buồn phiền mà các ông vô tình không biết!). Gậy robot thay cho chó dẫn đường cũng rất khôn, có nhiều chức năng.

Phôn, máy vi tính cho người mù ngày nay đã trở nên rất thông dụng. Rạp hát đặc biệt chiếu phim cho người khiếm thị cũng đã có. Các con chip, mắt điện tử, cách cấy võng mạc cũng đã có nhiều triển vọng giúp người mù thấy được. Khi hãng Apple bắt đầu chế ra các máy móc mà chỉ cần sờ vào màn hình để ra lệnh cho máy làm việc, người mù … mù luôn vì không sử dụng được loại touch screen này. Cũng may hãng đã cải tiến, dựa vào bộ chữ nổi làm ra Brailletouch cho người mù. Văn minh hơn, Virginia Tech đã kết hợp với Hiệp hội Người Mù Quốc Gia đang chế ra xe hơi cho người mù sử dụng.

Nhưng đó là phương tiện của các nước Âu Mỹ giàu có. Tại Việt Nam, đa số vẫn chịu mò mẫm trong bóng tối. Ấy là chưa kể tới nạn mù chữ, biết bao người vì nghèo khổ không được tới trường, không có cơ hội vươn lên trong cuộc sống. Nhà nước bận rộn hưởng thụ, đàn áp, ngu gì mà lo chuyện nâng cao dân trí!

Nhiều người ở vùng quê mắt chỉ bị kéo mây (cataract), nhưng không có bác sĩ điều trị nên sống trong tăm tối một cách oan uổng. Chúng tôi có sinh hoạt trong Hội Thân Hữu Quảng Ngãi, thỉnh thoảng gây quỹ giúp mổ mắt cho người nghèo. Nhiều người tìm lại ánh sáng đã mừng đến độ quỳ xuống lạy nhóm cứu trợ để tạ ơn. Nếu có ngày mấy người bạn, người nhà của tôi được sáng, tôi cũng sẽ không ngần ngại quỳ xuống mà cảm ơn vị bác sĩ, vị kỹ sư sáng chế đã mang lại thị lực cho họ.

Có câu chuyện kể trên chuyến xe lửa, trời mưa to, một anh thanh niên ngắm mưa và luôn miệng trầm trồ phong cảnh chung quanh. Cô gái ngồi kế bên bực mình vì mưa làm ướt tóc, đường sá ngập nước nên tỏ vẻ khó chịu. Cha anh thanh niên giải thích: Con trai tôi mới được mổ mắt tìm lại ánh sáng, nên thấy cái gì cũng lạ, cũng đẹp, xin cô thông cảm. Ước gì chúng ta luôn nhìn đời, nhìn người chung quanh với đôi mắt mới.

Giữa tháng Sáu, 2012 tại Toronto - nơi tôi định cư - đã xảy ra một tai nạn xe cộ. Tội nghiệp người tài xế xe bus công cộng chỉ mới 24 tuổi, còn đang tập sự. Anh cán phải một bà 82 tuổi khi quẹo trái, cuốn bà dưới gầm xe bị thương nặng rồi chết. Anh tài xế nhận lỗi: Tại tôi không thấy. Tương lai anh sẽ mù mịt vì sự không thấy này. Biết bao nhiêu chuyện đã và đang xảy ra chung quanh, chính tôi cũng không thấy hoặc không muốn thấy. Nhiều lần tôi đã nhìn đời, nhìn người bằng nửa con mắt một cách coi thường, khi đó tôi đã thui chột, mất đi 50% thị lực. Tệ hơn, những khi đắp tai ngoảnh mặt làm ngơ, tôi đã “mù mở” hoàn toàn!

Tôi cũng ngẫm nghĩ tới một vài ý đẹp đã đọc được về cái mù trong tâm hồn:

Tính ích kỷ làm ta mù không thấy được nhu cầu của tha nhân. Nhiều người cô đơn, thiếu thốn cần giúp mà mình chẳng để ý nên chẳng thấy. Những lúc người thân buồn, mệt, chịu nhiều áp lực mà mình vô tâm không hiểu nên vẫn nhởn nhơ vô tình. Biết bao dân oan bị hà hiếp, đói khổ tại quê nhà nhưng ta chỉ thấy cái phồn vinh giả tạo bên ngoài, rồi lên tiếng ca tụng nhà nước đã đổi mới.

Tính vô cảm làm ta mù nên không thấy những việc ta đã làm đau lòng người khác, sẵn sàng "vô tư" nói những câu làm người khác xuống tinh thần, có khi làm họ mặc cảm suốt đời.
Tính tự phụ làm ta mù không thấy người chung quanh cũng có nhân phẩm như mình, nên không biết tôn trọng, quý mến. Tính kiêu căng làm ta mù không thấy khuyết điểm, cái sai của mình, mà chỉ biết phê phán người khác.

Những thành kiến làm ta mù không thấy được sự thật, không biết thông cảm để nhìn sự việc ở những góc cạnh khác nhau. Sự bận rộn hối hả làm ta mù không thấy được vẻ đẹp của vũ trụ chung quanh. Khuynh hướng duy vật làm ta mù không thấy những giá trị thiêng liêng, tinh thần. Sự hời hợt làm ta mù không thấy chân giá trị của cuộc sống, chỉ đánh giá bề ngoài, hay lên án, trách hờn mà không nghĩ kỹ nguyên nhân.

Tâm hồn khô khan làm ta mù không thấy được cái đẹp của bức tranh, của bài nhạc, bài thơ mà người khác đã bỏ công sáng tác, chia sẻ với mình, không có mắt nghệ thuật.

Tính ngại khó và lười biếng đã làm ta mù không thấy được đường đi để chuẩn bị công việc, không có sức mạnh chiến đấu để hơn ngày hôm qua.

 

Nếu có thống kê đếm số người mù trong tâm hồn, tôi sợ là tỉ lệ sẽ cao hơn người mù về thể chất rất nhiều. Mỗi ngày tôi đã đui mù, hành động nông nổi bao nhiêu lần? Mỗi cơ hội tới, tôi có thể làm gì để giúp những người kém may mắn hơn? Liệu tôi có đủ sáng suốt, mở to mắt để nhận xét và chu toàn bổn phận của mình? Câu chuyện “Nồi Cơm Khổng Tử” vẫn nhắc nhở tôi nếu thấy tận mắt cũng chưa chắc sự việc đã như mình nghĩ, huống chi chỉ “nghe nói” rồi tiếp tục phổ biến điều sai sự thật.

Chúc bạn sáng mắt, sáng lòng.

Nguyễn Ngọc Duy Hân

 

 

Tuesday, June 26, 2012

Tranh của HBTT


Thiên Thần Truyền Tin

Elijah in the Wirlwind to Heaven

Viết Cho Nhau

Strength (Dante)

Shepherd me O Lord



Con Đò Là Bạn, Bến Sông Là Nhà

Bốn Mùa Yêu Thương

Wednesday, June 13, 2012

CHỌN PHẦN TỐT NHẤT/Ông Ê-li-a/Ông Cụ Yêu Thánh Lễ


CHỌN PHẦN TỐT NHẤT


Trong cuộc mưu sinh của đời người, có nhiều thứ làm ta hay lo lắng như: công ăn việc làm ngoài xã hội, chuyện gia đình, chuyện cộng đoàn và nhiều thứ linh tinh khác… Ta phải lên chương trình mỗi ngày và xếp đặt tương lai. 
     Ông cụ Thống ở giáo xứ tôi cũng lo toan nhiều thứ lắm, nhất là vì ông ở có một mình.  Tuổi càng ngày càng già, nhưng nhìn ông lúc nào cũng có một niềm tin sắc son, tâm hồn bình an,  và biết phó thác mọi sự cho Chúa...  Chuyện ông lo nhất có lẽ là cho phần rỗi linh hồn, đúng như lời Chúa phán: "Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì."  Trên vách tường nhà ông dán đầy hình ảnh Chúa,  chứng tỏ cho ta biết ông rất sùng đạo.  Khi ông mới qua Mỹ và chung sống với con cái. Mới đầu ông ở với người con lớn, có nhà có cửa, nhưng bao nhiêu tiền ông đi làm mang về đều bị nó tịch thu.  Thế rồi ông dọn ra ở apartments với anh thanh niên trẻ một thời gian, nhưng không được bao lâu chàng thanh niên dọn ra, còn đánh cắp bộ đồ vest của ông để dành mặc đi lễ. Đúng là đã nghèo mà nó cũng không tha. 
                                                  OooO
    Tôi thường gặp ông ở nhà thờ, nhưng thỉnh thoảng cũng gặp ông giữa đường đến nhà thờ, và được ba má cho đi khách quá giang.  Má chọc ông sao không kiếm bà nào cho có người cùng đọc kinh.  Ông trả lời bằng nụ cười tươi tắn....

    Ông thức dậy lúc tờ mờ sáng, lên đường đi dự lễ khi trời còn mờ khói sương và phải cuốc bộ rất xa từ xa lộ tới thành phố nên rất nguy hiểm. Tôi đoán có lẽ ông phải đi bộ từ 1-1/2 đến 2 tiếng trong bộ đồ chỉnh tề áo trắng quần tây, và trên tay có túi sách tay màu đen.  Vừa đi vừa đọc kinh.  Thánh Lễ mỗi ngày vào lúc 8:00 giờ sáng tại nhà thờ Roger Arkansas.  Thỉnh thoảng ông cũng dự Lễ ở nhà thờ Bentonville nửa.
    Có lần tôi gặp ông đi Lễ ngày thường.  Tôi tưởng ông cần người chở về nên hỏi: “Ông cần con chở về không?” Nhưng ông lại hỏi tôi: “Con có muốn ăn thịt gà không, ông cho.”  Tôi lắc đầu. Ông trả lời là tí nữa có người sẽ chở ông về.  Tôi thấy ông còn mang áo ảnh Đức Bà thật to. Thường cỡ áo to đó dành cho những người trong dòng ba Carmelite mặc. Tôi cũng hơi lạ là ông không hiểu tiếng Anh, vậy mà cũng tham gia vào hội đó của người bản xứ. 

    Anh rể tôi vốn là tân tòng nói: "Những sáng trời lạnh phải thức dậy sớm đi làm thật là chán ngán.  Vậy mà vẫn thường gặp ông trên đường đi bộ tới nhà thờ, vừa xa xôi vừa giá lạnh.  Mai mốt cụ mà chết thì chắc thẳng cánh bay về trời."  Có lần gặp ông anh hỏi, "cụ đi bộ như thế có bao giờ gặp ma không?"  Có, "lúc trời còn mù sương tôi gặp một chàng thanh niên mặt đồ trắng như màu sương khói quần áo ránh tả tơi, lại mang rất nhiều huy trương cứ theo tôi nói "Hello".  Sau Thánh Lễ tôi mới biết ngày hôm đó tưởng nhớ đến các Liệt Sĩ...
    Ông đi bộ như thế từ ngày qua Mỹ cho đến cuối đời là hơn 15 năm.  Khi được về dự đám cưới của người anh, tôi hy vọng sẽ đến thăm ông, nhưng không ngờ nhìn thấy tấm thiệp buồn, báo tin ông đã qua đời trên xa lộ khi đến nhà thờ lúc tờ mờ sáng.  Bị người lái xe tông vì không thấy ông.  Hưởng thọ 85 tuổi.   Đêm đó tôi buồn lắm, và không sao nhắm mắt, nước mắt ước đẩm gối hoà lẫn sự vui mừng vì ông là một tấm gương sáng kiên trì, và trung thành cho đến chết.   Một tình Yêu hy sinh cả mạng sống...

Ông là mẫu gương tốt cho nhiều người và cho Giáo xứ tôi.  Trong giáo xứ Việt Mỹ lẫn lộn này, ai cũng thương mến và khâm phục ông. Ông chính là muối ướp cho đời....
 HBTT  6/13/2012


Ông Ê-li-a Tìm Chúa
 Sứ ngôn lành thánh Ê-li-a
Ông thấy Chúa mình hạ bước qua
Ngong ngóng đón chờ lời Chúa phán
Cuồng phong xuất hiện núi hoen ra
Đất đai rung chuyển lửa hừng bốc
Phong tố dần tan ẩn bóng Cha
Khao khát tìm mong ôi chất ngất
Hiu hiu ngọn gió lòng hoan ca. . .

 Ông Cụ Yêu Thánh Lễ

Tám năm rồi tôi rời xa phố cũ
Thành phố xưa, nay nhộn nhịp tiếng cười             
Tôi muốn thăm ông cụ cùng xứ đạo
Một mẫu gương sống đạo rất trung thành
Tuổi xế chiều chẳng ngại ngùng mưa gió
Dù sương mù, hay u ám sớm hôm
Dù nắng cháy đến mồ hôi rỏ giọt
Dù lạnh lẽo pha tuyết trắng đơn côi 
Dù xa lộ hiểm nguy xe tấp nập
Một cụ già vẫn kiên trì đi bộ
Cụ tỏ lộ niềm tin yêu tín thác. . .
       
Người ta mải lo tìm của hư nát
Còn ông cụ tìm của chẳng hề phai
Phố đông người mấy ai nào thấu hiểu?
Lòng trí cụ tìm chỉ Chúa mà thôi
Chẳng quản ngại dù đường sá xa xôi
Qua bốn mùa chung kiên cụ gắng bước

Đầy nhiệt huyết đi dự Lễ mỗi ngày
Trông cụ rất chỉnh tề trong y phục
Đến cùng Chúa bằng hết cả tấm lòng. . .
        
Như hoa hướng dương luôn tìm ánh mặt trời
Cụ đi bộ đến nhà Thờ tìm Chúa
Hơn mười lăm năm trên đất Mỹ phồn hoa
Chẳng biết tiếng Anh cụ hiểu được mấy phần
Ông cụ ấy là chứng nhân sống mãi
Đức tin cụ là muối ướp cho đời
Bằng tình yêu, hy sinh cả mạng sống. . .
     
Chúa gọi ông về trên con đường đi Lễ.
Ông ví như ông thánh Ê-li-a
Lòng nhiệt huyết, thành tâm Yêu Mến Chúa.

HBTT 2010 



Sunday, June 10, 2012

Colorful Abstract Art-From HBTT

Gia Đình Có Nhau

Định Mệnh

Hãy Ngước Cao Lên

Bên Nhau Thì Thầm

Hoa Xuân Bên Đường


Em Tên Lan-Hương



Hoa Tím Ngày Xưa

Hoà Quyện Đất Trời
Hãy lặng thinh nghe lòng đất thở
Hãy lặng thinh nghe cỏ xanh thanh bình
Hãy lặng thinh nghe hàng cây trổ bông
Hãy lặng thinh nghe hoà quyện trời đất.